Tôi đến Y Tý vào một buổi chiều tháng 9/2015 và qua đêm tại nhà của A Hờ, chàng người Mông này rất thông minh và dễ thương..
Y Tý nằm ở độ cao 1805m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có phải vì thế mà khi tới Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.
Trường tiểu học Y Tý
Xã Y Tý có 15 thôn bản, chủ yếu gồm các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, có những nét sinh hoạt riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc cho xã vùng cao huyện Bát Xát. Hãy trò chuyện với người dân nơi đây để tìm hiểu về đời sống văn hóa, đặc biệt là của người Hà Nhì.
Ngôi nhà trình tường xinh xắn nằm lẩn khuất giữa biên mây.
Không chỉ nổi tiếng với mây mà Y Tý còn rất đẹp vào mùa lúa chín, chính vì vậy bạn có thể đến Y Tý vào khoảng tuần thứ 3 tháng 8 đến khoảng giữa tháng 9 sẽ được ngắm những ruộng bậc thang lúa chín vàng óng. Mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6.
Ngoài ra, vào những năm thời tiết lạnh, Y Tý cũng là một điểm có khả năng có tuyết rơi cùng với Sa Pa và Mẫu Sơn.
Mùa săn mây Y Tý từ tháng 11 – 4 hàng năm, đây cũng là mùa hoa đỗ quyên.
Người Hà Nhì một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở Y Tý bên cạnh đồng bào các dân tộc H'Mông, Dao, Giáy… người Hà Nhì, đặc biệt người Hà Nhì đen, đã làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, bằng những ngôi nhà trình tường độc đáo của mình.
Thôn Choản Thèn là một trong những thôn cổ của xã Y Tý, có 57 hộ dân người Hà Nhì đen sinh sống, được hình thành cách đây hơn 300 năm.
Những ngôi nhà mái cỏ không còn nhiều, nay đa số đã được thay bằng tấm lợp amiăng.
“Công viên Y Tý” tên gọi thân thương dành cho bãi đất trống cuối thôn Choản Thèn, nơi tụ tập trẻ con vui đùa.
Cô bé một mình thả hồn vào khung cảnh trời đất rực rỡ mùa vụ.
“Công viên Y Tý” một nơi lý tưởng cho glamping.
Chợ phiên Y Tý, huyện Bát Xát họp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Ngay từ sáng sớm, khi màn sương còn dày đặc, người dân nơi đây đã tấp nập đến chợ để mua, bán những sản vật địa phương và sắm các đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống gia đình.
Hàng hóa bày bán ở đây chủ yếu là những sản phẩm do chính những người dân làm ra, như ớt, chuối, rau xu xu, gạo, ngô, đậu, rau, hoa quả…. số còn lại là những thương lái mang từ thành phố lên bán, như hàng thổ cẩm công nghiệp, vải vóc, đầu đĩa CD... Ở chợ có cả dịch vụ sửa chữa điện thoại di động.
Chợ phiên vùng cao Y Tý có nét đặc trưng riêng với sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, đôi khi còn có cả người Trung Quốc từ bên kia biên giới cũng sang trao đổi mua bán hàng hóa ở đây. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu.
THAM QUAN
Cột mốc 92 – Lũng Pô, biên giới Việt Nam - Trung Quốc, và cũng là ngã ba nơi sông Nguyên Giang (TQ) gặp dòng suối Lũng Pô trên đất Việt Nam, với hai màu nước khác nhau trước khi hòa chung một dòng chảy vào đất Việt với tên gọi sông Hồng.
Cột cờ Lũng Pô khánh thành cuối 2017, cao 31,43m lấy từ hình mẫu của đỉnh Fansipan (3143m), trên nóc là lá cờ tổ quốc rộng 25m2 biểu tượng cho 25 dân tộc anh em của tỉnh Lào Cai.
Địa hình A Lù bị chia cắt bởi các dãy núi cao, thấp dần từ đông nam sang tây bắc, đã mang lại cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Bà con người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá sống rải rác trên lưng núi, canh tác ruộng bậc thang khắp nơi. Vào mùa vụ, từ trên cao nhìn xuống A Lù trông như một bức tranh vẽ.
Thung lũng Thề Pả (ruộng chân núi) thuộc hai xã Y Tý và Ngải Thầu với hàng nghìn thửa ruộng bậc thang, trải dài hơn 5km từ thôn Choản Thèn đến cầu Thiên Sinh, là công trình sáng tạo của đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì. Mùa nước đổ tháng 4, 5 và mùa lúa chín tháng 9, 10 là hai thời điểm thích hợp nhất để tham quan.
Lao Chải là thôn có dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất với 76 hộ dân và cũng là điểm đến hấp dẫn nhất ở chốn quanh năm mây phủ này. Tự thân cái tên “Lao Chải” đã mang nghĩa Hán là “thôn gốc”, “thôn cũ”, bởi đây là thôn đầu tiên với 100% là người Hà Nhì đen.
Lao Chải có nét đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà. Tất cả đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Nhà thường đắp tường dày từ 40 – 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 – 5m.
Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 65-80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) lợp bằng cỏ gianh, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài, có tác dụng phòng thủ. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Đây được coi là mẫu nhà chung cho các gia đình sống trong một khu vực cư trú, không có sự phân biệt sang hèn trong kiến trúc nhà ở.
Cầu Thiên Sinh, tiếng Hà Nhì là Thiên Sân Shù có nghĩa “trời sinh”. Cầu chỉ ngắn chừng một mét, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút, phía dưới là dòng suối Lũng Pô. Cây cầu cũng chính là nơi nối liền Việt Nam - Trung Quốc, bước qua cầu là cột mốc 87 thuộc địa phận Trung Quốc.
Ngải Thầu là một xã vùng cao giáp biên giới, nơi đây khí hậu ôn đới, quanh năm mây mù bao phủ tạo thành khung cảnh huyền ảo. Thời điểm săn mây thích hợp từ tháng 11 đến tháng 4.
Ngải Thầu Thượng, điểm săn mây lý tưởng ở Y Tý, nơi ô tô có thể đi tới nơi.
KHOẢNG CÁCH
Lao Cai - Bát Xát (11km) - Trịnh Tường (26km) - Lũng Pô (19km) - A Mú Sung (7km) - A Lù (7km) - Ngải Thầu (5km) - Y Tý (7km)
Đoạn từ A Lù sang Ngải Thầu có nhiều ruộng bậc thang đẹp.
ĐẶC SẢN VÙNG CAO Y TÝ
Củ Hà Sin Cô hay Hoàng Sin Cô, loại củ này có hình dáng bên ngoài rất giống củ khoai lang, nhưng bên trong lại có màu vàng nhạt, nhiều nước, vị giòn, ngọt nhẹ, thanh mát. Củ sau khi gọt vỏ có thể ăn sống.
Nấm rừng, khi những cơn mưa đầu tiên xuất hiện xóa đi những ngày lạnh giá, để đón một mùa hè mới bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà nấm rừng bắt đầu vào mùa. Ở Y Tý hay có nhất vẫn là nấm hương, thi thoảng cũng có nấm sò, nấm thông, hoặc một số loại nấm khác.
Bia Hà Nhì được làm từ men gạo đồ xôi để nguội trộn men vào rồi ủ từ 15 đến 20 ngày sau đó dùng nước đun sôi đổ vào rồi chắt ra để trong can sử dụng. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sang vàng và uống càng ngon.
Comments