Để lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh từ hàng trăm năm nay, người dân làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cùng nhau góp tiền xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.
Ngôi làng này có 5 xóm nhỏ và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1km, con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng (6 hiệu ảnh và 1 lab). Theo thống kê, số lao động trong thôn làm nghề chụp ảnh chiếm tới 40%.
Cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nghề ảnh vào nước ta (1869) . Và cụ Nguyễn Đình Khánh là người Việt Nam thứ hai tiếp nối và mở mang nghề ảnh.
Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).
Năm 1911 phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị lộ, cụ Khánh đã trốn sang Pháp và mở hiệu ảnh ở Toulouse (1912). Những năm tiếp theo, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt ở Paris, Frankfurt, Quảng Châu. Sau khi về nước, cụ Khánh đã mở thêm hiệu ảnh ở một số nơi khác như Sài Gòn, Hải Phòng… Khoảng giữa thế kỷ XX là thời kỳ các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh mẽ nhất, cả nước có tới 150 hiệu và khoảng 2.000 người làng làm ảnh. Đặc biệt những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai…”.
Đặc trưng ảnh chân dung của Khánh Ký thường được chụp toàn thân, hai tay đặt lên đầu gối, rõ cả mười đầu ngón tay, ngón chân.
Lai Xá ngày nay là làng quê giàu và đẹp ở phía Tây Thủ đô, có cổng làng cổ kính ở phía Tây và phía Đông, có đình Nội thờ Phùng Hưng, có đình Quán thờ An Sinh Vương và chùa Bảo Tháp là một danh lam của xứ Đoài. http://baotangnhiepanhlaixa.org/lang-lai-xa/
Comentários